Chia sẻ của bạn Thanhegc - Đại học Tổng hợp Tokyo trên diễn đàn
TTVNOL
Chào tất cả các bạn, đặc biệt là những bạn quan tâm đến du học
và săn học bổng. Theo tôi, việc săn học bổng và nộp hồ sơ theo học ở nước ngoài
có mối quan hệ mật thiết với nhau, và gần như bạn phải tiến hành đồng thời cả 2
quá trình trên. Đây là một cuộc chiến dai dẳng, đòi hỏi sự nỗ lực tối đa của mỗi
cá nhân. Nếu không kiên trì và nhẫn nại, bạn không nên theo đuổi việc săn học bổng
vì thời gian cần thiết để săn học bổng thường tối thiểu là 2 năm. Trong quãng
thời gian đó, nhiều lúc bạn cảm thấy chán nản, lo âu, hồi hộp, thậm chí muốn
buông xuôi hay bỏ cuộc.
Vì vậy trước khi bắt đầu, bạn phải xác định đây là cuộc đua
marathon và không có chỗ dành cho các vận động viên nghiệp dư. Cá nhân tôi cũng
vậy, tôi mất hơn 2 năm để tìm học bổng và trường theo học, và thật may mắn, tôi
có được 2 học bổng khác nhau, một là học bổng của Chính phủ Việt Nam (Đề
án 322) để theo học ở Pháp và một là học bổng của Chính phủ Nhật (học bổng
Monbusho hay còn gọi là học bổng MEXT) để theo học tại trường Đại học Tổng hợp
Tokyo. Vì vậy những kinh nghiệm của tôi sẽ đặc biệt liên hệ đến 2 hình thức
học bổng này, ngoài ra còn có một số kinh nghiệm khác tôi biết được trong quá
trình săn học bổng. Tôi hi vọng các bạn sẽ tìm được cho mình con đường đúng đắn
trong quá trình săn học bổng và may mắn.
I. KHỞI ĐỘNG
Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình săn học bổng và là
giai đoạn quan trọng nhất. Trong giai đoạn này, bạn cần trả lời một cách trung
thực những câu hỏi như:
1. Mục đích kiếm học bổng là gì?
2. Mình có thật sự muốn tìm học bổng không?
3. Cơ hội dành cho mình là bao nhiêu?
4. Nên bắt đầu từ đâu?
5. ...
Tuy đây chỉ là những câu hỏi sơ bộ, nhưng hết sức cần thiết,
vì bạn phải xác định rõ mục tiêu, mong muốn và khả năng của mình rồi mới bắt đầu
công việc được. Khi biết tin tôi được học bổng, có nhiều bạn muốn tôi chia sẻ
kinh nghiệm cá nhân và chỉ cho họ cách để đạt được học bổng nào đó. Có nhiều
người khi hỏi câu này thì vẫn chưa xác định được mục đích kiếm học bổng của họ
là gì và họ có thực sự muốn tìm học bổng hay không. Có người khi nghe tôi hỏi
là có chấp nhận hi sinh bớt công việc hiện tại để dành sức cho việc săn học bổng
không thì có vẻ lưỡng lự, chỉ điều đó thôi cũng đủ chứng tỏ họ chưa sẵn sàng
cho việc săn học bổng. Bởi nếu đã sẵn sàng thì họ sẽ khẳng định chứ không còn
lưỡng lự nữa. Do đó việc đầu tiên bạn cần phải làm là xác định lại tư tưởng cho
mình, chỉ sau khi bạn đã hoàn toàn sẵn sàng thì cơ hội mới thực sự tìm đến bạn.
Tôi xin lấy ví dụ từ chính bản thân mình, năm đầu tiên xin học
bổng để đi du học ở Pháp, tôi nghĩ nó sẽ đến với mình vì lúc đó tôi nghĩ mình
là người xứng đáng (sau khi đã xem xét các đối thủ, tiêu chí và quy trình tuyển
chọn) được học bổng mà không hề nghĩ mình sẽ làm gì để cụ thể hoá nó cả. Vì vậy
hồ sơ của tôi hết sức sơ sài và không có gì nổi bật, thậm chí còn có cả lỗi
chính tả. Sau này khi biết tin mình trượt, tôi đã rút ra được bài học thấm
thía, đó là không bao giờ chủ quan và làm việc với tinh thần như vậy nữa. Nếu bạn
làm việc với tinh thần là cầu may hay chỉ nghĩ được thì tốt, không được cũng
không sao thì tôi nghĩ cơ hội của bạn đã giảm đi đáng kể, thậm chí không muốn
nói là rất thấp. Do vậy giai đoạn này có thể tóm tắt bằng những bước như sau:
Xác định mục tiêu ⇒ Lập kế hoạch ⇒ Bắt
tay vào hành động
II. KIẾM HỌC BỔNG DỄ HAY KHÓ?
Sau khi bạn thực sự quyết tâm 100% cho việc săn học bổng thì
tôi có thể khẳng định rằng, việc kiếm học bổng không dễ, nhưng không quá khó.
Tuy nhiên, đối với các học bổng danh giá thì ngoài các yếu tố quyết tâm, tài
năng bạn còn phải có một chút may mắn nữa vì ở đó cuộc đua sẽ hết sức khốc liệt.
Tại sao tôi lại nghĩ nó không quá khó, đơn giản vì có rất
nhiều học bổng tính cạnh tranh của nó không thật sự cao, nhiều khi chỉ vì bạn
không để ý hoặc không quan tâm nên đã bỏ qua. Cũng có rất nhiều học bổng chỉ được
truyền nhau qua bạn bè, anh em mà không hề có thông báo chính thức (thông báo ở
Việt Nam hay trên Internet). Do đó khi bạn quan tâm đến học bổng, bạn sẽ tìm đủ
cách để xem ở đâu có thể xin được học bổng, rõ ràng khi đó cơ hội của bạn sẽ
tăng lên đáng kể. Trên thực tế, có rất nhiều người có đủ khả năng nhưng họ lại
không tự tin có thể kiếm được học bổng hoặc nghĩ rằng học bổng không dành cho họ,
như vậy khả năng được học bổng của họ là rất thấp dù họ là người có năng lực.
Cách đây mấy năm, khi học bổng của Liên minh Châu Âu (Học bổng
Erasmus Mundus) ra đời và có chương trình cửa sổ Châu Á dành riêng cho các học
sinh khu vực Châu Á muốn sang học tập tại Châu Âu, lúc đó rất ít sinh viên Việt
Nam được biết, chủ yếu là du học sinh Việt Nam ở Châu Âu mới có tin này. Vì vậy
số lượng sinh viên Việt Nam nộp hồ sơ rất hạn chế. Nếu lúc đó bạn được biết tin
này, chắc chắn cơ hội đạt học bổng của bạn cao hơn rất nhiều. Hay có rất nhiều
chương trình học bổng của ngành, của bộ mà có thể rất nhiều bạn đến tận giờ bạn
vẫn chưa biết, dù nó rất gần bạn.
Tôi xin lấy ví dụ:
- Học bổng của Tổng công ty Dầu khí dành cho con em trong
ngành;
- Học bổng đi học ở Trung Quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt
Nam ưu tiên cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngay cá nhân tôi cũng vậy, trong quá trình đi tìm hiểu học bổng,
tôi phát hiện ra rất nhiều học bổng mà trước đó tôi chưa từng nghĩ tới. Câu này
các cụ nhà ta nói đúng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
III. CÁC LOẠI HỌC BỔNG
Có rất nhiều dạng học bổng khác nhau, tuy nhiên tôi tạm phân
loại ra như sau:
1. Học bổng chính phủ, vùng, bang
2. Học bổng của các tổ chức
3. Học bổng của các trường đại học
4. Học bổng dưới dạng nghiên cứu, trợ giảng, ...
(1) Học bổng Chính phủ
Thường là những học bổng danh giá, có tính cạnh tranh cao
(do có giám khảo là người nước ngoài và họ là người ra quyết định, giám khảo
người Việt mang tính tham khảo nhiều hơn), dành cho việc theo học tại nước cấp
học bổng. Nếu có được học bổng này, bạn sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi như: chi
phí đi lại, sinh hoạt phí, tiền bảo hiểm, thủ tục visa.
Ở Việt Nam, có rất nhiều học bổng như thế và thường được đại
sứ quán các nước đặt ở Việt Nam quản lý, điều tiết. Ví dụ: học bổng của
chính phủ Nhật (Monbusho), học bổng của chính phủ Pháp (Evaris Galois), học bổng
của chính phủ Đức (DAAD). Bạn nên vào trang web của đại sứ quán các nước tại Việt
Nam để biết thêm chi tiết. Ngoài ra để biết những học bổng chính phủ có liên kết
với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, bạn có thể vào trang web của Bộ Giáo dục
và Đào tạo. Bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy thậm chí những nước như
Mông Cổ cũng có học bổng này dành cho sinh viên Việt Nam.
Vì vậy, nếu bạn thực sự quan tâm sao không thử nhỉ, biết đâu
bạn lại tìm thấy cơ hội cho mình. Ngoài ra, còn có học bổng của các vùng, bang
dành cho sinh viên ngoại quốc. Những học bổng này thực sự rất khó biết, nếu
không đi sâu tìm hiểu rất khó để biết được là nó có tồn tại hay không. Có thể lấy
ví dụ: ở Pháp có học bổng vùng Ile de France, vùng Rhôn - Alpe ...
hay ở Nhật hầu như chính quyền các vùng đều có học bổng, bạn có thể tham khảo ở
trang web của Jasso.
(2) Học bổng của các tổ chức, công ty
Thông thường đây là học bổng do các tổ chức quốc tế có mặt ở
Việt Nam cung cấp. Những học bổng này thường cung cấp cho những chuyên ngành cụ
thể (thường cùng ngành với công ty, tổ chức cấp học bổng), hoặc đa ngành (thường
do các tổ chức phi chính phủ cấp). Như học bổng của tổ chức AUF (Agence
Universitaire de la Francophonie) chẳng hạn dành cho tất cả các ngành và dành
cho sinh viên khối Pháp ngữ, hay học bổng của Ngân hàng phát triển Châu Á ADB
cung cấp cho sinh viên theo học tại một số trường được chỉ định, hoặc học bổng
của Công ty Panasonic thì chỉ cung cấp cho một số ngành như điện tử, tự động
hoá. Nói chung học bổng này có tính cạnh tranh cao, và đảm bảo tất cả các chi
phí cơ bản cho việc học ở nước ngoài.
(3) Học bổng của các trường đại học
Thông thường, các trường đại học ở nước ngoài có quan hệ rất
tốt với các cá nhân, tổ chức, công ty. Họ thường tìm cách vận động để các cá
nhân, tổ chức và công ty đó cung cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài theo học
tại trường họ. Như vậy khi bạn có ý định nộp hồ sơ xin học bổng này bạn cần tìm
hiểu trang web của trường và của tổ chức tài trợ để lấy thông tin cụ thể. Một số
công ty, tổ chức có thể lồng thêm vào đó các điều kiện kèm theo như ký hợp đồng
cam kết làm việc cho họ sau khi ra trường, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy.
Ví dụ như học bổng của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB dành cho sinh viên theo
học ở một số trường trong khu vực, chỉ yêu cầu cam kết sau khi học xong sẽ trở
về cơ quan cũ mà không hề có ràng buộc phải làm việc cho họ sau khi ra trường.
Thông thường để nhận được học bổng này bạn phải làm hồ sơ theo học tại trường,
và nộp đơn xin học bổng qua trường.
(4) Học bổng dưới dạng nghiên cứu, trợ giảng...
Khác với các giáo sư Việt Nam, các giáo sư nước ngoài có vai
trò rất lớn trong việc nhận ai đó vào học bởi họ có quyền và có chi phí nghiên
cứu riêng, do đó nếu được sự ủng hộ của các giáo sư thì khả năng được nhận vào
học và có học bổng (thông qua hình thức trợ giúp nghiên cứu RA, hoặc trợ giảng
RA) sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, tôi khuyến khích các bạn nên liên hệ với các
giáo sư của trường nộp hồ sơ, trước là gây dựng quan hệ, sau là xác định hướng
nghiên cứu và đề tài nghiên cứu. Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh
giá hồ sơ của bạn là thư giới thiệu (Letter of Recommendation), nếu bạn quan hệ
tốt với các giáo sư thì có thể họ sẽ viết thư giới thiệu cho bạn, bạn biết đấy,
nếu được giáo sư của khoa giới thiệu thì khả năng hồ sơ của bạn được chấp nhận
sẽ rất lớn.
Ngoài ra, việc tìm hiểu về các giáo sư trong khoa sẽ giúp bạn
hiểu hơn về hướng nghiên cứu của giáo sư, từ đó chọn ra hướng nghiên cứu phù hợp
với mình. Bạn đừng ngại trong việc liên lạc với các giáo sư và cũng đừng nản
chí nếu một số lá thư đầu tiên không được trả lời. Đôi khi bạn phải kiên nhẫn
vì nhiều giáo sư họ rất bận, nên có thể họ bỏ qua thư của bạn. Trong tình huống
này, bạn nên viết thư hỏi tiếp, tất nhiên là cùng nội dung nhưng cách hỏi phải
khác đi, giọng văn khác đi (các bạn nên có một quyển tuyển tập các bài viết thư
mẫu, rất tiện dụng trong những tình huống như thế này). Các giáo sư khi đã thân
quen rồi thì việc trả lời giúp bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, có thể họ
còn tư vấn cho bạn trong một số lĩnh vực nhất định, thậm chí can thiệp cả vào
quyết định có tiếp nhận bạn vào trường hay không.
✈ KinhNghiệm Săn Học Bổng Và Nộp Hồ Sơ Theo Học Ở Nước Ngoài (Phần 2)
✈ Kinh Nghiệm Săn Học Bổng Và Nộp Hồ Sơ Theo Học Ở Nước Ngoài (Phần 3)
✈ Kinh Nghiệm Săn Học Bổng Và Nộp Hồ Sơ Theo Học Ở Nước Ngoài (Phần 3)
Tôi có thể khẳng định, những du học sinh đi theo học bổng của
VEF, nếu không có các thư giới thiệu và giúp đỡ của các giáo sư Hoa Kỳ sẽ rất
khó được nhận vào các trường top ở Hoa Kỳ. Tất nhiên có bạn có được học bổng mà
không đi qua con đường này, nhưng nó mở rộng cơ hội của bạn thì tại sao bạn lại
không thử nhỉ?!
Ngoài những học bổng nói trên, còn có các dạng học bổng
khác, tuy nhiên đây là những dạng học bổng cơ bản, dễ nắm bắt thông tin và các
bạn có thể tiếp cận được.
Email: edu@maisie-uk.com
Hotline: 0918 910 885 - 0908 744 885
Tư vấn online Y!M: Mue.bolton | Skype: MUE
Bolton hoặc Bolton MUE
Thông tin tham khảo: www.maisie-uk.com
Đăng nhận xét